[BÁO CÁO] Chỉ số thương mại điện tử 2019 của VECOM

Năm 2018 thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Với sự tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015, chúng ta tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu 10 tỷ USD loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng vào năm 2020 nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 cho thấy vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới.

Mục lục ẩn

1. Tổng quan chung

1.Tốc độ phát triển nhanh của thương mại điện tử 2019

  Song song với sự phát triển vững chắc của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%, năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử. Dựa trên thông tin từ cuộc khảo sát, VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30%.

Về quy mô, với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.2 Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, marketing trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác.3 Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

2.  Quản lý mua bán trên mạng xã hội như mua bán trên sàn thương mại điện tử

Theo một báo cáo của Nielsen và Demand Institute, trong thời đại kinh tế số hiện nay, mức thu nhập của tầng lớp trung lưu chưa đủ để xác định người tiêu dùng có tiềm năng tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Người tiêu dùng kết nối sẽ là nguồn tăng trưởng mới. Họ là những người thường xuyên kết nối với Internet và có mức sẵn sàng chi tiêu cao.4 Người tiêu dùng kết nối có xu hướng mua sắm đa kênh (omni-channel). Trước khi mua, họ sẽ thu thập và tìm kiếm thông tin về sản phẩm để tham khảo từ cả hai nguồn online và offline. Và 4 trong 5 người tiêu dùng kết nối sẽ tham khảo các nhận xét về sản phẩm trên các kênh trực tuyến (83%) và đặc biệt họ sẽ tìm kiếm nhận xét từ mạng xã hội (74%) trước khi quyết định có mua sản phẩm đó hay không.

Mạng xã hội có vai trò nổi bật trong việc kết nối người tiêu dùng với nhau và với người bán

Kết quả khảo sát năm nay cho thấy mạng xã hội tiếp tục là kênh marketing phổ biến nhất của các doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45%, trong khi tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32% và qua ứng dụng di động là 22%. 5 Không chỉ có các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ mà nhiều doanh nghiệp lớn đã tích cực sử dụng mạng xã hội để marketing và chăm sóc khách hàng. Chẳng hạn, Lazada là sàn thương mại điện tử hàng đầu ở Việt Nam có trên 50.000 nhà bán hàng và đối tác. Hàng tháng, sàn này thu hút trên 100 triệu lượt người truy cập, tới tháng 10 năm 2018 có 27 triệu người theo dõi (follow) trên trang Facebook của công ty.

3. Cạnh tranh cao đối với dịch vụ giao hàng chặng cuối và hoàn tất đơn hàng

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử, trên phạm vi cả nước Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến thuê, tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ là 25%. Tỷ lệ tương ứng cho EMS, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm là 5%, 1% và 1%. Các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%.7 Như vậy có thể khẳng định Vietnam Post đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán lẻ trực tuyến trên phạm vi cả nước.

VECOM đã tiến hành khảo sát sâu với 14 doanh nghiệp chuyển phát có mức độ gắn bó khác nhau với thương mại điện tử. Kết quả cho thấy 10 sản phẩm được mua bán trực tuyến phổ biến nhất là: 1) Quần áo, giày dép; 2) Điện tử, điện lạnh; 3) Mẹ và bé; 4) Sách, văn phòng phẩm; 5) Thủ công, mỹ nghệ; 6) Linh phụ kiện; 7) Hoá mỹ phẩm; 8) Đồ nội thất; 9) Thực phẩm, đồ uống; 10) Đồ ăn nhanh. Đáng chú ý là đồ ăn nhanh đã lọt vào nhóm 10 sản phẩm hàng đầu được người bán thuê ngoài dịch vụ chuyển phát. Kết quả này phù hợp với sự nổi lên của nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và cung cấp dịch vụ giao đồ ăn nhanh với các thương hiệu như Now.vn, GrabFood, Go Viet, Loship, Vietnammm. Tuy xuất hiện ở Việt Nam chưa đầy một thập kỷ nhưng cạnh tranh khốc liệt tới mức một số thương hiệu giao đồ ăn trực tuyến mới xuất hiện đã biến mất như Foodpanda, Chonmon.vn, Lala.

Về kho, tất cả doanh nghiệp tham gia khảo sát đều có kho riêng để lưu trữ hàng hoá, tuy nhiên năng lực kho chưa đáp ứng được nhu cầu nên phần lớn doanh nghiệp chuyển phát vẫn phải thuê kho ngoài. Hơn nữa, công nghệ vận hành kho chưa tiên tiến. Mới có 36% doanh nghiệp có hệ thống quản lý kho kết nối trực tuyến tới các khách hàng. Do công nghệ quản lý kho còn lạc hậu nên chi phí lưu kho và quản lý kho còn cao. Ở nhiều doanh nghiệp chi phí này chiếm trên 20% tổng doanh thu. 

Đối với dịch vụ lõi là dịch vụ chuyển phát, những doanh nghiệp lớn thường chủ động triển khai còn các doanh nghiệp nhỏ hơn thuê lại một phần dịch vụ từ các công ty chuyển phát khác. Tỷ lệ chi phí chuyển phát trên giá trị đơn hàng cao, cứ hai doanh nghiệp thì một doanh nghiệp có tỷ lệ này là 20% trở lên. Tất cả doanh nghiệp trong cuộc khảo sát đều cung cấp dịch vụ thu hộ người bán (COD). Đặc biệt, một nửa doanh nghiệp cho biết có từ 70% trở lên người mua hàng trực tuyến sử dụng hình thức thanh toán này. 

Một khó khăn lớn của các doanh nghiệp chuyển phát là tỷ lệ người mua hoàn trả sản phẩm đã đặt hàng trực tuyến cao. Ước tính tỷ lệ trung bình tổng giá trị của các sản phẩm hoàn trả so với tổng giá trị đơn hàng lên tới 13%. Có doanh nghiệp phải chịu tỷ lệ này ở mức 26%.

4. Xây dựng chiến lược giai đoạn tới theo hướng thu hẹp khoảng cách số

Bị ảnh hưởng sâu sắc về tính toàn cầu, nhanh chóng và hiệu quả của Internet nên cho tới nay các chính sách thương mại điện tử của Việt Nam ít chú ý tới yếu tố địa kinh tế và thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử nhiều năm liên tiếp cho thấy phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh năng động liền kề như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Hoạt động kinh doanh trực tuyến tại hầu hết các tỉnh khác còn yếu và có nguy cơ ngày càng tụt lại so với hai thành phố dẫn đầu. 

Ước tính Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm tới 70% giao dịch thương mại điện tử. Quy mô thương mại điện tử ở các địa phương khác, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất nhỏ. 

Trong khi đó, khoảng 70% dân số sống ở nông thôn. Khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến.

  Trong hai năm 2019 – 2020 cần triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử tại ba thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ cũng như một số tỉnh thuộc các vùng kinh tế – xã hội đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. 

>>> Xem thêm:  [BÁO CÁO] Tiếp cận người dùng Mobile ở nông thôn Việt Nam

2. Toàn cảnh thương mại điện tử 2019

1. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát

các công ty khảo sát thương mại điện tử 2019

Như thường lệ, cuộc khảo sát doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử hàng năm diễn ra từ tháng 9 tới tháng 11. Năm 2018 đã khảo sát trên 4.500 doanh nghiệp và có 4.300 doanh nghiệp hợp lệ được dùng làm số liệu thống kê. 

Tỷ lệ các loại hình doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng tương đồng so với các năm trước, nhóm doanh nghiệp là Công ty TNHH chiếm tỷ lệ lớn nhất (50% trong tổng số doanh nghiệp khảo sát), tiếp đó là Công ty cổ phần (28%) và Doanh nghiệp tư nhân (10%). Doanh nghiệp lớn chiếm 12% trong tổng số doanh nghiệp khảo sát. 

2. Hạ tầng và nhân lực

 Sử dụng email và các công cụ hỗ trợ trong công việc

Sử dụng email trong doanh nghiệp được coi là một trong những phương tiện phản ánh sát thực nhất việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình trao đổi tương tác nội bộ cũng như với các đối tác để tối giảm chi phí và thời gian. 

Khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng email trong công việc tăng đáng kể so với năm trước (47% doanh nghiệp cho biết có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng email và cao hơn 7% so với năm 2017), đặc biệt vẫn còn tới 19% doanh nghiệp cho biết có dưới 10% lao động thường xuyên sử dụng email.

Xét về quy mô doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có tỷ lệ lao động trong công ty sử dụng email trên 50% lại thấp hơn nhóm doanh nghiệp lớn.

Qua nhiều năm khảo sát cho thấy mục đích chính của việc sử dụng email vẫn dùng để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp (chiếm tới 76%). Xu hướng sử dụng email trong doanh nghiệp năm nay lại bắt đầu có tăng đôi chút so với năm trước cả về số lượng cũng như các mục đích sử dụng.

sử dụng email trong thương mại điện tử 2019

Song song với việc sử dụng email, xu hướng các doanh nghiệp ứng dụng những công nghệ mới tiên tiến hơn vào hoạt động trong công ty cũng tăng lên nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, điển hình là xu hướng ứng dụng các nền tảng hỗ trợ giao tiếp như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo…

 Khảo sát cho thấy gần như 100% doanh nghiệp có ứng dụng các công cụ này, tuy nhiên mức độ ứng dụng trong từng doanh nghiệp cũng có đôi chút khác nhau. Cụ thể là có tới 58% doanh nghiệp cho biết có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng các công cụ trên (tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 40% của năm trước), 27% doanh nghiệp cho biết có từ 21%-50% lao động thường xuyên sử dụng và 15% doanh nghiệp cho biết có dưới 20% lao động thường xuyên sử dụng.

Lao động chuyên môn về thương mại điện tử

Khảo sát qua các năm cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về thương mại điện tử và công nghệ thông tin vẫn dao động trên dưới 30% và không có sự thay đổi lớn (năm 2018 có 28% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng này, năm 2017 là 31% và năm 2016 là 29%). 

Trong số đó thì kỹ năng khai thác và sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử đang được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất và cũng gặp khó khăn lớn nhất trong quá trình tuyển dụng (49% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về việc tuyển dụng nhân sự có kỹ năng này), tương tự với các kỹ năng khác như sau: 

  • Kỹ năng cài đặt chế độ, ứng dụng, khắc phục sự cố thông thường của máy vi tính: 40% 
  • Kỹ năng quản trị website và sàn giao dịch TMĐT: 45%
  • Kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu: 42%
  • Kỹ năng triển khai thanh toán trực tuyến: 28%
  • Kỹ năng digital marketing: 35%
  • Kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai dự án TMĐT: 43%

3. Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C)

Website doanh nghiệp 

44% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã xây dựng website, tỷ lệ này chỉ nhỉnh lên 1% so với năm 2017 và không thay đổi nhiều trong vài năm trở lại đây.

tỷ lệ cập nhật thông tin lên Website

Tuy nhiên đa số doanh nghiệp đã chú trọng nhiều hơn tới việc chăm sóc website của mình: 47% doanh nghiệp cho biết thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày và 23% cho biết có tần suất cập nhật thông tin hàng tuần.

Kinh doanh trên mạng xã hội

Năm 2018 vừa qua cũng đánh dấu sự tăng trưởng tốt của mô hình kinh doanh trên các mạng xã hội, có thể thấy đây là hình thức hiệu quả với chi phí thấp đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn mà điển hình là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh và cá nhân. 

Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát thì có 36% doanh nghiệp cho biết có bán hàng trên mạng xã hội (tăng 4% so với năm 2017).

Tham gia các sàn thương mại điện tử

Tương tự như các mạng xã hội thì sàn thương mại điện tử cũng là một kênh được coi là hiệu quả với chi phí phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh và cá nhân. Tuy nhiên mức độ quan tâm cũng như ứng dụng của doanh nghiệp trên các sàn thương mại điện tử trong vài năm trở lại đây cũng chưa có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát thì vẫn giao động từ 11%-13% doanh nghiệp cho biết có kinh doanh qua sàn. 

Mặc dù trong vài năm vừa qua chứng kiến sự bùng nổ đầu tư vào các sàn thương mại điện tử trong nước, nhưng để thấy được hiệu quả cũng như tính ứng dụng trong doanh nghiệp chắc sẽ cần một khoảng thời gian nữa.

 Kinh doanh trên nền tảng di động

75% doanh nghiệp tham gia khảo sát có ứng dụng bán hàng trên nền tảng di động cho biết Android vẫn là nền tảng họ quan tâm đầu tư phát triển ứng dụng bán hàng nhiều nhất, tiếp sau đó là IOS (45%) và Windows (45%), các số liệu này cũng tương đồng với tỷ lệ của năm 2017 (Android: 71%, IOS: 43% và Windows: 40%). 

Thời gian trung bình lưu lại của khách hàng khi truy cập website TMĐT phiên bản di động hoặc ứng dụng bán hàng năm 2018 vẫn chưa cao, điều này phản ánh mức độ hấp dẫn cũng như tính tiện dụng của các phiên bản di động chưa thực sự thu hút được khách hàng. Theo đó thì mới có 18% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết thời gian trung bình lưu lại là trên 20 phút, đa số khách hàng vẫn truy cập từ 5 – 10 phút (chiếm 39%) và dưới 5 phút (chiếm 28%).

Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát có website phiên bản di động hoặc ứng dụng di động, có 43% doanh nghiệp cho biết đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động, 31% doanh nghiệp cho biết có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua hàng hóa/dịch vụ và 45% doanh nghiệp cho biết có nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. Các chỉ số này không có sự thay đổi nhiều trong vòng ba năm trở lại đây.

Các hình thức quảng cáo website và ứng dụng di động

Trong nhiều năm liền, Facebook luôn dẫn đầu là kênh doanh nghiệp tin dùng nhiều nhất để hỗ trợ quảng cáo website/ứng dụng di động trong công ty (năm 2018 tỷ lệ doanh nghiệp có dùng mạng xã hội để quảng cáo lên tới 49% và tăng 6% so với năm 2017), hình thức thông dụng thứ 2 là các công cụ tìm kiếm (33%) và thông qua tin nhắn/ email quảng cáo (28%). 

Hai năm gần đây cụm từ “Marketing liên kết” cũng đã làm thay đổi nhiều chiến lược làm marketing của một bộ phận lớn các công ty thương mại điện tử, xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Khảo sát cũng chỉ ra có tới 20% doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra chưa tiến hành quảng bá trực tuyến, tỷ lệ này có giảm đôi chút so với năm 2017 nhưng vẫn còn là một con số khá cao trong thời đại công nghệ số.

Có tới 58% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết mới chi dưới 10 triệu đồng trong năm qua để làm chi phí quảng cáo website/ứng dụng di động qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động, xét về tổng thể tỷ lệ này càng cao thì nhận thức cũng như hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo do doanh nghiệp triển khai thực tế chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp chi thêm ngân sách. Bên cạnh đó tỷ lệ doanh nghiệp chi từ 10 – 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến chiếm 32% (giảm 4% so với năm 2017) và tỷ lệ doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến mới chiếm 11% (tăng 3% so với năm 2017).

 Xét trong nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì dẫn đầu về tỷ lệ doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến vẫn là Hà Nội (22% doanh nghiệp chi trên 50 triệu) và Tp. Hồ Chí Minh (18%).

Mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm vẫn là hai nền tảng được doanh nghiệp đánh giá là đem lại hiệu quả cao trong hoạt động quảng bá trực tuyến với tỷ lệ tương ứng là 52% và 40%, hai công cụ còn lại là báo điện tử và tin nhắn/ứng dụng di động đều có 22% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá hiệu quả đem lại ở mức cao.

Nhìn chung trong vòng bốn năm trở lại đây, xu hướng quảng cáo trực tuyến thông qua hai nền tảng là mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm đang tăng trưởng mạnh vượt qua các phương thức cũ, đặc biệt là mạng xã hội với tỷ lệ đánh giá hài lòng của người dùng đang tăng cao và chưa có dấu hiệu chững lại.

>>Xem thêm: [Báo cáo] Hành vi mua hàng trên Social Media

4. Giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)

Sử dụng các phần mềm quản lý

Xét về nhóm các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thì kế toán tài chính vẫn là công cụ được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất trong các năm qua. Năm 2018 cũng có tới 88% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có sử dụng phần mềm kế toán tài chính (tỷ lệ này hàng năm không có sự chênh lệch nhiều và giao động trong khoảng 85% – 90%). Tiếp đó là nhóm phần mềm về quản lý nhân sự với 56% doanh nghiệp cho biết có sử dụng. 

Ngoài ra, nhóm phần mềm chuyên sâu ở mức cao hơn một chút như quản lý khách hàng (CRM), quản lý chuỗi cung ứng (SCM) và quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) hầu như vẫn chưa có sự tăng trưởng lớn, trong khi đó xét về mặt vĩ mô thì việc ứng dụng càng nhiều công cụ chuyên sâu mới thể hiện hiệu quả cũng như tốc độ phát triển mạnh của doanh nghiệp.

Đứng về quy mô doanh nghiệp thì tính ứng dụng các công cụ phần mềm của nhóm doanh nghiệp lớn có phần nổi trội hơn nhiều so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu do đặc thù và nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp lớn luôn cao hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Ở các phần mềm khác, sự chênh lệch giữa tính ứng dụng của nhóm doanh nghiệp lớn và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ còn cao hơn nhiều, khoảng cách chênh lệch thường giao động từ 30% tới 40%.

Sử dụng chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử

Năm 2018 có 61% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có sử dụng chữ ký điện tử, tỷ lệ này không có sự thay đổi lớn với năm trước và hầu như duy trì tương đối ổn định trong vòng bốn năm trở lại đây (từ 2015 tới 2018 luôn giao động trong mức 60% – 63%).

Song song với đó thì xu hướng doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong kinh doanh cũng không có sự tăng trưởng mạnh, thậm chí có chút giảm nhẹ từ 28% năm 2017 xuống còn 26% năm 2018.

Nhận đơn đặt hàng và đặt hàng qua các công cụ trực tuyến

84% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có nhận đơn đặt hàng trực tuyến thông qua email, cho tới thời điểm hiện tại đây vẫn là kênh quan trọng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các kênh trực tuyến. Tiếp theo đó là mạng xã hội (49%), website (36%) và sàn thương mại điện tử (13%).

Tương tự với tiêu chí trên thì tiêu chí về tỷ lệ doanh nghiệp có đặt hàng thông qua các công cụ trực tuyến cũng khá tương đồng với mức độ doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng, email vẫn là kênh chính giao tiếp giữa doanh nghiệp với nhà cung cấp để đặt hàng (84% doanh nghiệp đặt hàng trực tuyến thông qua email), tiếp sau đó là mạng xã hội (45%), website (44%) và sàn thương mại điện tử (19%).

Tỷ lệ đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động

Xét về mức đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động trên tổng vốn đầu tư thương mại điện tử của doanh nghiệp thì có tới 62% doanh nghiệp năm 2018 tham gia khảo sát cho biết mới đầu tư dưới 20% trong tổng ngân sách đầu tư về thương mại điện tử, 29% doanh nghiệp đã đầu tư từ 20%-50% ngân sách và mới có 9% doanh nghiệp đầu tư trên 50% ngân sách chung của thương mại điện tử. Điều này phản ánh thực trạng đa số doanh nghiệp chưa thực sự tập trung vào website/ứng dụng di động. 

Phân theo quy mô doanh nghiệp thì nhóm doanh nghiệp lớn có sự đầu tư mạnh hơn vào nền tảng di động so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điển hình có thể thấy ở mức đầu tư trên 50% cho website/ứng dụng di động trên tổng vốn đầu tư TMĐT của doanh nghiệp thì có tới 15% doanh nghiệp lớn chi ở mức này, trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ mới dừng ở mức 8%.

 Đánh giá hiệu quả của việc bán hàng qua các công cụ trực tuyến

Trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 45% doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của việc bán hàng thông qua mạng xã hội (tăng nhiều so với tỷ lệ 39% năm 2017), tiếp theo đó là 32% doanh nghiệp đánh giá cao kênh bán hàng thông qua website doanh nghiệp (giảm một chút so với tỷ lệ 35% năm 2017), hai kênh là ứng dụng di động và sàn giao dịch thương mại điện tử hầu như không có sự thay đổi nhiều so với năm trước.

>>> Xem thêm: Chiến lược bán lẻ Omni Channel

5. Giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B)

Tra cứu thông tin trên các website cơ quan nhà nước 

31% doanh nghiệp cho biết thường xuyên tra cứu thông tin trên website của các cơ quan nhà nước năm 2018 (tăng 1% so với năm trước), 62% doanh nghiệp thỉnh thoảng mới tra cứu và đặc biệt vẫn còn tới 7% doanh nghiệp chưa bao giờ tra cứu các thông tin này. Nhìn chung các tỷ lệ này trong vài năm trở lại đây chưa có sự thay đổi lớn, điều đó phản ánh tính hiệu quả cũng như nhận thức và mức độ tiếp cận đối với hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trong doanh nghiệp còn chưa thực sự tốt.

Nhóm doanh nghiệp lớn vẫn luôn luôn có mức quan tâm tới thông tin trên website của các cơ quan nhà nước hơn so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ: 44% doanh nghiệp lớn có quan tâm tới các thông tin này trong khi đó tỷ lệ ở doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ đạt 29%.

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Trái với việc tra cứu thông tin, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục đăng ký, cấp phép, khai báo… được cung cấp trên website của các cơ quan nhà nước có phần cao hơn nhiều và đang có xu hướng tăng nhẹ trong hai năm gần đây (từ 73% doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2017 tăng lên 75% doanh nghiệp có sử dụng năm 2018).

Lợi ích của dịch vụ công trực tuyến

54% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá lợi ích của các dịch vụ công trực tuyến ở mức rất cao, tỷ lệ này cũng không có sự thay đổi nhiều so với tỷ lệ 52% của năm 2017, trong vòng bốn năm trở lại đây xu hướng này đang phát triển ở mức tích cực.

Qua đó có thể thấy giá trị của các dịch vụ công trực tuyến nói riêng và tổng thể môi trường kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam hiện nay khá minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Áp dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm một cách đáng kể những chi phí không chính thức.

3. Chỉ số thương mại điện tử  2019 theo địa phương

Chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin

Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (NNL&HT) trong năm 2019 được xây dựng dựa trên nhóm các chỉ số thành phần bao gồm: khả năng đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp trong lĩnh vực thương mại điện tử; tính thuận tiện trong quá trình tuyển dụng nhân sự chuyên trách cũng như cơ cấu trong việc đầu tư nhân sự chuyên trách thương mại điện tử ra sao; mức độ lao động thường xuyên sử dụng email hay các công cụ hỗ trợ khác như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo… trong công việc. Do tính phổ cập lớn nên bộ chỉ tiêu năm nay bỏ qua tiêu chí về việc trang bị các thiết bị điện tử như máy tính PC, laptop hay các thiết bị di động để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp.

Từ số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) qua nhiều năm nay, Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn là hai thành phố có số lượng tên miền lớn nhất nước trong nhiều năm và cũng đồng thời là hai thành phố có tỷ lệ về số dân/1 tên miền “.vn” thấp nhất lần lượt là 49 và 44 dân/1 tên miền “.vn”. Đà Nẵng là thành phố có số tên miền lớn thứ 3 trong cả nước (8.129 tên miền và có tỷ lệ 131 dân số/1 tên miền “.vn”) nhưng cũng có khoảng cách rất xa so với hai thành phố dẫn đầu.

Điểm trung bình của chỉ số này đối với 54 địa phương khảo sát xếp hạng rất thấp ở mức 35,6 điểm (cao hơn một chút so với điểm số 33,8 năm 2017). Khoảng cách giữa điểm trung bình của nhóm 5 tỉnh thành đứng đầu (61,4 điểm) so với nhóm 5 tỉnh thành thấp nhất (24,3 điểm) cũng khá cao lên tới hơn 37 điểm. Những tỉnh thấp nhất này bao gồm Bình Phước (25,7 điểm), Lạng Sơn (25,5 điểm), Quảng Trị (25 điểm), Bắc Kạn (23,7 điểm) và Gia Lai (21,9 điểm).

Có thể thấy khoảng cách giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương khác về hạ tầng là vô cùng lớn, đây cũng là một trong những trở ngại cần được chútrọng đẩy mạnh hơn nữa để kéo gần khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn.

Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng

Năm 2018, nhóm các chỉ tiêu thành phần của chỉ số B2C được giữ nguyên để đảm bảo tính thống nhất cho việc so sánh qua các năm, nhóm chỉ tiêu này bao gồm: 1) xây dựng website doanh nghiệp; 2) tần suất cập nhật thông tin trên website; 3) ứng dụng bán hàng qua mạng xã hội; 4) tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; 5) website phiên bản di động; 6) ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động; 7) cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động; 8) tình hình nhận đơn đặt hàng; 9) quảng cáo website/ứng dụng di động; 10) doanh thu từ kênh trực tuyến và 11) thu nhập bình quân trên đầu người.

Xét về nhóm chỉ số thành phần giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, Tp. Hồ Chí Minh dẫn đầu (87,2 điểm), tiếp đó là Hà Nội (85,8 điểm), Bình Dương (74,6 điểm), Hải Phòng (72,5 điểm) và Bắc Ninh (68,0 điểm).

Đặc biệt khác với chỉ số về hạ tầng và nguồn nhân lực, chỉ số B2C không có nhiều sự chênh lệch lớn giữa nhóm các tỉnh thành dẫn đầu so với nhóm các tỉnh thành liền kề sau đó, điển hình là khoảng cách giữa Tp. Hồ Chí Minh (xếp thứ nhất) với Bắc Ninh (xếp thứ 5) mới chỉ chênh nhau gần 20 điểm. Qua đó có thể thấy mức độ phát triển B2C giữa nhóm các thành phố lân cận nhau là tương đối đồng đều.

Nhóm 5 tỉnh thành có chỉ số giao dịch B2C thấp nhất là Kon Tum (31,0 điểm), Bình Phước (30,9 điểm), Tuyên Quang (27,7 điểm), Lạng Sơn (27,1 điểm) và Bắc Kạn (25,4 điểm). Khoảng cách giữa tỉnh thành dẫn đầu (Tp. Hồ Chí Minh) và tỉnh thành thấp nhất (Bắc Kạn) là 61,8 điểm.

Điểm trung bình của chỉ số giao dịch B2C trong cả nước là 45,7 điểm (tăng hơn một chút so với điểm số 42,4 điểm năm 2017), còn nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu có điểm trung bình (77,6 điểm) cao hơn tới gần 50 điểm so với điểm trung bình của nhóm 5 tình thành thấp nhất (28,4 điểm).

>>> Xem thêm: Cách phân bổ ngân sách cho truyền thông

Chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp

Năm 2018 chỉ số thành phần giao dịch B2B vẫn tiếp tục giữ nguyên như các năm trước và bao gồm các tiêu chí: 1) sử dụng các phần mềm trong doanh nghiệp; 2) sử dụng chữ ký điện tử; 3) sử dụng hợp đồng điện tử; 4) nhận đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến; 5) đặt hàng qua các công cụ trực tuyến; 6) tỷ lệ đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động của doanh nghiệp và 7) tỷ lệ trung bình số dân trên mỗi doanh nghiệp.

Trong đó tiêu chí liên quan tới số lượng doanh nghiệp và dân số của từng địa phương được tổng hợp từ nguồn của Niên giám thống kê 2017 để có tỷ lệ trung bình số dân trên mỗi doanh nghiệp, chỉ tiêu này sẽ hỗ trợ phản ảnh mức độ hoạt động kinh tế và thương mại của địa phương một cách chính xác hơn.

Đối với nhóm chỉ tiêu B2B thì thành phố Hồ Chí Minh lại tiếp tục là địa phương dẫn đầu với 87,3 điểm, tiếp sau đó là Hà Nội với 82,5 điểm. Tuy nhiên sang tới địa phương xếp thứ 3 là Đà Nẵng (52,4 điểm) lại thấp hơn rất nhiều so với Hà Nội.
Một lần nữa trong nhóm chỉ số B2B lại có sự phân cực lớn giữa hai thành phố Trung ương (Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh) so với nhóm các tỉnh thành khác bao gồm cả Đà Nẵng, Hải Phòng…

Tỉnh thành có chỉ số giao dịch B2B thấp nhất năm 2018 là Trà Vinh với 17,7 điểm và kém địa phương dẫn đầu là Tp. Hồ Chí Minh tới 69,6 điểm, cao hơn một chút có Bình Phước (19,1 điểm) và Vĩnh Long (19,2 điểm).

Điểm trung bình trong cả nước của chỉ số này là 30,7 điểm và là điểm chỉ số thành phần thấp nhất trong nhóm bốn chỉ số cơ bản xây dựng Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (Hạ tầng và nguồn nhân lực, B2C, B2B, G2B). Nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu về điểm B2B có điểm trung bình là 62,8 điểm và cao hơn nhiều so với điểm trung bình của nhóm 5 tỉnh thành thấp nhất (18,9 điểm).

Chỉ số về giao dịch chính phủ với doanh nghiệp

Chỉ số về giao dịch giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp (G2B) là một trong bốn chỉ số thành phần của Chỉ số Thương mại điện tử. Chỉ số thành phần này phản ánh tính minh bạch thông tin của các địa phương đối với doanh nghiệp cũng như mức độ hoàn thiện của các dịch vụ công trực tuyến như thủ tục khai báo thuế, đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận…

Tương tự như các chỉ số khác, các chỉ tiêu con trong chỉ số thành phần về giao dịch G2B năm nay hầu như không có sự thay đổi. Việc tính toán chỉ số G2B tiếp tục dựa vào 4 tiêu chí: 1) mức độ tra cứu thông tin trên website các cơ quan nhà nước của doanh nghiệp; 2) mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục đăng ký, cấp phép, khai báo… được cung cấp trên website của các cơ quan nhà nước;3) tỷ lệ sử dụng các loại dịch vụ công trực tuyến và 4) đánh giá của doanh nghiệp vềlợi ích của dịch vụ công trực tuyến tại địa phương.

Một lần nữa Tp. Hồ Chí Minh lại tiếp tục là địa phương dẫn đầu về chỉ số thành phần G2B với 84,2 điểm, tiếp sau đó là Hà Nội với một khoảng cách tương đối xa (77,7 điểm) và Hải Phòng (75,5 điểm), Bắc Ninh (74,7 điểm), Quảng Nam (74,5 điểm).

Điểm trung bình của chỉ số G2B năm nay là 64,6 điểm (tăng một chút so với điểm số 63,2 của năm trước) và được đánh giá là chỉ số có điểm trung bình cao nhất trong nhóm 4 chỉ số thành phần cơ bản. Điểm trung bình của nhóm 5 địa phương dẫn đầu là 77,3 điểm và cao hơn gần 30 điểm so với điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất (47,1 điểm).

Nguồn: Hiệp hội thương mại điện tư Việt Nam (VECOM)

Share

Gọi ngay