Báo cáo xu hướng thị trường mì ăn liền Việt Nam 2023-2030 – Download PDF

Sau dịch COVID-19, thị trường mì ăn liền Việt Nam ngày càng phát triển do nhu cầu tiêu dùng mì ăn liền của người Việt Nam có xu hướng tiếp tục gia tăng. Đồng thời, thị trường xuất hiện nhiều xu hướng tiêu dùng mì ăn liền tạo ra các cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động trong thị trường mì ăn liền.

Là một chủ doanh nghiệp, marketer, bạn đã chuẩn bị những gì để tận dụng cơ hội trong thị trường mì ăn liền sôi động ngày nay?

Quy mô thị trường mì ăn liền toàn cầu

Quy mô về doanh thu thị trường mì ăn liền đang có xu hướng gia tăng trong tương lai. Theo Fortune Business Insights (2022), quy mô thị trường mì ăn liền toàn cầu được định giá 51,65 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng từ 54,6 tỷ USD vào năm 2022 lên 81,84 tỷ USD vào năm 2029, đạt tốc độ CAGR là 5,95% trong giai đoạn dự báo [1]. Cũng dựa theo phân tích của Fortune Business Insights, thị trường mì ăn liền toàn cầu có mức tăng trưởng 10,08% vào năm 2020 so với năm 2019.

Thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy rằng thị trường châu Á là nơi tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á (bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) chiếm 56,45% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu năm 2020. Tiếp theo là Đông Nam Á với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia chiếm 25,24% [2].

Các thị trường như châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Mỹ Latinh được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng trong tương lai. Theo Fortune Business Insights (2022), trong phân khúc thị trường mì ăn liền theo khu vực, quy mô thị trường Châu Á – Thái Bình Dương đạt 44,38 tỷ USD vào năm 2021 [1].

Sự tăng trưởng của các khu vực này được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số ở hầu hết các quốc gia, dẫn đến gia tăng số lượng người tiêu dùng mì ăn liền. Đồng thời, gia tăng thu nhập cũng cho phép người tiêu dùng chi tiêu cho nhiều loại thực phẩm khác nhau trên thị trường để tránh mất nhiều thời gian cho việc nấu nướng thông thường, tiết kiệm thời gian và cải thiện sức khỏe tổng thể. Nhu cầu này ngày càng tăng nhanh ở các nước đông dân như Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.

Nhu cầu tiêu dùng mì ăn liền

Theo Mordor Intelligence (2023), nhu cầu đối với thực phẩm tiện lợi và ăn liền, đặc biệt là mì ăn liền, gạo, đồ ăn nhẹ,… trên toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh hơn [3]. Các lý do bao gồm thay đổi trong mô hình kinh tế và xã hội, người tiêu dùng tăng chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống, gia tăng nhận thức về thực phẩm lành mạnh. Họ cũng thay đổi thói quen ăn uống và thói quen tiêu dùng thực phẩm hiện có.

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người dân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cách ly xã hội. Điều này đã góp phần khiến lượng tiêu thụ các loại thực phẩm tiện lợi, ăn liền, trong đó bao gồm mì ăn liền Việt Nam tăng mạnh.

Hầu hết mọi người chọn mì ăn liền vì không tốn nhiều tiền, dễ ăn và có thể bảo quản trong thời gian dài. Theo thống kê của Hiệp Hội Mì Ăn Liền Thế Giới (2023), số lượng gói mì ăn liền được tiêu thụ tại Việt Nam năm 2021 là 8,56 tỷ gói, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2020 [2]. Trong năm 2022, người Việt Nam tiêu dùng 8,48 tỷ gói mì ăn liền, giảm nhẹ 1% so với năm 2021. Điều này có nghĩa là trung bình một người tiêu dùng Việt Nam tiêu thụ 87 gói mì trong năm 2022. Việt Nam cũng là thị trường nằm trong top 3 thị trường tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất trong năm 2022 trên toàn cầu.

Thị phần thị trường mì ăn liền Việt Nam

Do nhu cầu trong nước rất lớn, Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối/cung cấp mì ăn liền. Hiện nay, thị trường Việt Nam đang có hơn 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mì ăn liền. Trong đó Acecook, Masan, Uniben, Asia Food, Vifon và Colusa Miliket là các doanh nghiệp đang chiếm lĩnh thị trường.

Theo thống kê của Retail Data (2021), Acecook Việt Nam đang nắm giữ 35,4% thị phần xét về doanh thu, tiếp theo là Masan (27,9%), Uniben (12,2%) và Asia Foods (8%) [4].

Acecook Việt Nam, đơn vị trực thuộc Acecook có trụ sở tại Nhật Bản, đạt doanh thu vượt 10 nghìn tỷ VNĐ (tương đương 427,30 triệu USD) vào năm 2019 và tăng lên 12,2 nghìn tỷ VNĐ vào năm ngoái, khẳng định vị trí dẫn đầu ngành mì ăn liền Việt Nam [5]. Trong khi đó, Masan Consumer cho biết họ có 5 thương hiệu đạt doanh thu trên 2 nghìn tỷ VNĐ, trong đó có 2 thương hiệu mì ăn liền. Bên cạnh các “ông lớn” trên, thị trường Việt Nam đang ngày càng thu hút sự tham gia các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong thị trường mì ăn liền. Các nhà sản xuất mì ăn liền Nongshim và Ottogi của Hàn Quốc đang tăng cường hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và coi Việt Nam là “cửa ngõ” vào Đông Nam Á [6].

Xu hướng thị trường mì ăn liền

Healthy noodle – Phát triển sản phẩm mì ăn liền tiện lợi và thân thiện với sức khỏe

Thị trường mì ăn liền đang chứng kiến sự phát triển của những sản phẩm lành mạnh, thân thiện với sức khỏe khi người tiêu dùng đang có ý thức hơn về sức khỏe của họ. Đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn về vấn đề chăm sóc sức khỏe của bản thân.

Theo báo cáo của Decision Lab và Vero (2022), 46% thế hệ Millennials và Z của Việt Nam cho rằng COVID-19 là yếu tố hàng đầu khiến họ phải xem xét lại thói quen ăn uống của mình [7]. 45% người tiêu dùng cho rằng họ thiếu thời gian nấu nướng và chế biến thực phẩm lành mạnh. Điều này thúc đẩy các thương hiệu F&B đưa ra các lựa chọn thực phẩm lành mạnh dễ tiêu thụ và tốn ít thời gian chế biến hơn.

Nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay không chỉ là giá cả phải chăng, tiện lợi mà còn thân thiện với sức khỏe, thúc đẩy các nhà sản xuất ưu tiên tạo ra những sản phẩm vừa lành mạnh vừa có thể bổ sung chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể.

Online noodle – Gen Z – thế hệ mua và khám phá trải nghiệm ăn mì qua các nền tảng trực tuyến

Trong những năm gần đây, sự phát triển của Internet và sự bùng phát của dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng trên toàn thế giới sử dụng các nền tảng trực tuyến. Theo We are social (2023), tính đến tháng 1 năm 2023, tổng số người dùng Internet trên toàn cầu là 5,16 tỷ người [8]. Khi việc truy cập và sử dụng Internet toàn cầu tăng lên, số người mua hàng trực tuyến cũng có xu hướng gia tăng, đặc biệt là với những người trẻ tuổi thuộc thế hệ Z. Theo Statista (2023), người tiêu dùng trẻ tuổi có nhiều khả năng mua sản phẩm mà họ đã thấy trên mạng xã hội [9]. Thống kê của Statista chỉ ra rằng có gần 70% Gen Z ở Hoa Kỳ đã mua một mặt hàng mà họ đã từng thấy trước đó trên nền tảng mạng xã hội mà họ sử dụng.

Đồng thời, hiện nay, Gen Z thích khám phá và chia sẻ trải nghiệm ăn uống trên nền tảng mạng xã hội [10]. Sinh ra trong thời đại Internet phát triển, mạng xã hội như một phần trong cuộc sống hiện đại của Gen Z. Thế hệ này thường khám phá những trải nghiệm ẩm thực mới thông qua các nội dung trên các nền tảng mạng xã hội và thích theo đuổi các xu hướng ẩm thực mới nhất trên mạng xã hội. Trên thực tế, người dùng cũng thường xuyên chia sẻ và nắm bắt các thông tin về trải nghiệm ăn uống của họ trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Asian noodle – Nhu cầu tiêu dùng của khách hàng toàn cầu về mì ăn liền châu Á

Nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng toàn cầu đang gia tăng với các sản phẩm mì ăn liền có nguồn gốc từ châu Á, thể hiện rõ nhất qua sự phổ biến ngày càng tăng của mì ăn liền Hàn Quốc. Sự lan truyền của làn sóng văn hóa Hàn Quốc như K-pop, K-drama và ẩm thực Hàn Quốc trên toàn thế giới thúc đẩy các sản phẩm mì ăn liền nói chung và mì ăn liền Hàn Quốc nói riêng phát triển. Theo ước tính từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc ngày 20/11/2023, xuất khẩu mì ramyeon (mì ăn liền có nguồn gốc Hàn Quốc) đạt 785,25 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2023, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2022 [11]. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng mì ăn liền có nguồn gốc từ Hàn Quốc đang gia tăng trên toàn thế giới.

Bên cạnh sự quan tâm tới các sản phẩm mì ăn liền Hàn Quốc, các sản phẩm ăn liền của một vài quốc gia châu Á khác cũng được người tiêu dùng trên thế giới chú ý đến. Ví dụ như món ăn sáng chủ yếu của người Việt – phở, cũng được chuyển thể thành một loại mì ăn liền, thu hút sự tò mò của người tiêu dùng toàn cầu. Tương tự, bún ốc có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc cũng đang chứng kiến mức độ phổ biến tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, với hơn 1,1 tỷ gói được bán ra chỉ riêng trong năm 2021 [12].

Personalization noodle – Xu hướng cá nhân hóa cách tiêu dùng mì ăn liền

Người tiêu dùng thường tiêu dùng mì ăn liền vào bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Mì ăn liền cũng thường được dùng như một món ăn nhẹ. Điều này cho thấy sự “đa năng” của mì ăn liền với người tiêu dùng. Sản phẩm này không chỉ là một món ăn tạm thời thay thế cơm mà còn có thể được sử dụng như bữa ăn hoàn chỉnh khi kết hợp với các món ăn đi kèm hoặc nguyên liệu khác.

Có lẽ vì sự phổ biến của mì ăn liền nên cũng có đa dạng cách thưởng thức khác nhau. Người tiêu dùng có thể sáng tạo trong việc tiêu dùng mì để tạo ra nhiều món ăn đa dạng như mì xào, mì trộn, mì nấu với nguyên liệu lành mạnh nhe rau, thịt, hải sản,… ngoài việc pha mì với nước đun sôi. Do đó, việc có thể có nhiều cách tiêu dùng khác nhau dẫn đến việc mì ăn liền thu hút người tiêu dùng trong việc sáng tạo món ăn.

Đồng thời, giống như những lĩnh vực thực phẩm khác, người tiêu dùng luôn tìm kiếm các sản phẩm có thể được cá nhân hóa theo sở thích và khẩu vị của họ. Xu hướng này dẫn đến sự phát triển của các set mì ăn liền kiểu DIY (do-it-yourself) giúp người tiêu dùng có thể trộn và kết hợp các nguyên liệu. Mì ăn liền có thể được kết hợp với trứng, xúc xích, nước hầm, rau củ quả và gia vị khác tùy theo sở thích của người tiêu dùng.

Sustainable Noodle – Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm bền vững

Người tiêu dùng ngày càng nhận thức được tác động của các quyết định mua hàng của họ đối với môi trường. Họ đang tìm kiếm những lựa chọn bền vững hơn. Nghiên cứu IBM năm 2022 chỉ ra rằng, tính bền vững ngày càng trở nên quan trọng đối với quyết định mua hàng và sự ưa thích thương hiệu (brand preference) của người tiêu dùng [13]. 62% số người được hỏi sẵn sàng thay đổi thói quen mua hàng để giảm tác động đến môi trường, tăng từ mức 57% vào năm 2020.

Dù vậy, người tiêu dùng cũng đang nỗ lực trong việc sống bền vững. Theo khảo sát của Simon Kucher (2021), có 63% người tiêu dùng toàn cầu đã thực hiện những thay đổi từ khiêm tốn đến đáng kể trong hành vi tiêu dùng của họ theo thời gian nhằm nỗ lực sống bền vững hơn. Trong đó, có 34% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm và dịch vụ bền vững [14]. Vậy doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm nói chung, mì ăn liền nói riêng có nên tận dụng cơ hội này và xem xét lại chiến lược marketing của doanh nghiệp?

Lời khuyên cho doanh nghiệp, các marketer

Đứng trước những cơ hội thị trường, doanh nghiệp hoạt động trong thị trường mì ăn liền nên chuẩn bị những gì?

Chi tiết về xu hướng và lời khuyên cho doanh nghiệp, marketer tại

Báo cáo xu hướng thị trường mì ăn liền pdf – DTMConsulting.vn

Nguồn tham khảo: 

[1] Fortune Business Insights (2022), Instant Noodle Market

[2] World Instant Noodles Association (WINA) thống kê

[3] Mordor Intelligence (2023), Ready-to-Eat Food Market

[4] Thống kê của Retail Data (2021)

[5] VNExpress (2022), Food giants posts rising revenue from instant noodles

[6] Masan Group (2021), Annual Report 2021

[7] Vero & Decision Lab (2022), Helping brands tap into Vietnam’s changing eating habits

[8] We are social (2023), Digital 2023 Global Overview Report

[9] Statista (2023), Social media influence on shopping by generation US

[10] Toast (2023), Gen Z Food Trends and Statistics for 2024

[11] Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (2023) thống kê

[12] Food Ingredients first (2023), Instant noodle appetite rises amid cost of living crisis and craving for diverse flavors

[13] IBM (2022), Retail Industry Reshapes with Hybrid Cloud and AI to Help Meet Shifting Consumer Shopping and Sustainability Preferences

[14] Simon Kucher (2021), Global Sustainability Study 2021

Share

Gọi ngay